Lời khuyên của chuyên gia luật khi nghi ngờ hóa đơn điện tử giả
Trước những thông tin cho rằng, việc xuất hiện hóa đơn điện tử giả khiến người nộp thuế băn khoăn, các chuyên gia luật cho biết, hóa đơn điện tử là sự lựa chọn hoàn hảo hiện nay. Tuy nhiên, người nộp thuế nên kiểm tra khi nhận được hóa đơn điện tử.
Quy định về hóa đơn hiện nay khá rõ ràng, chặt chẽ
Trao đổi với phóng viên TBTCO, chuyên
gia luật Nguyễn Thị Diệu Linh cho rằng, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP vừa được
Chính phủ ban hành đã quy định cụ thể thời gian bắt buộc áp dụng hóa đơn điện
tử từ 1/7/2022. Trong quá trình chuyển tiếp, người nộp thuế vẫn có thể sử dụng
hóa đơn giấy theo quy định hiện hành.
“Nghị định 123 đã giải tỏa lo lắng
của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Bởi thời gian gần đây, nhiều
doanh nghiệp băn khoăn không biết khi nào bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử, hóa
đơn giấy còn sử dụng được hay không. Nghị định 123 đã quy định cụ thể từ
1/7/2022 mới bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử. Hóa đơn giấy vẫn có hiệu lực đến
30/6/2022” - bà Linh cho biết.
Ngoài việc đánh giá cao quy định của
Nghị định 123 về thời gian bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, luật sư Lê Thị
Hồng Vân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Labor Law cho rằng, với việc ban hành
Nghị định 123, các quy định về hóa đơn đã khá rõ ràng và đảm bảo chặt chẽ.
Vì theo Nghị định 123 quy định tổ
chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ lập và giao hóa đơn
khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng; quản lý các hoạt động tạo
hóa đơn theo quy định; đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và chuyển dữ liệu hóa
đơn điện tử đến cơ quan thuế, trong trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có
mã của cơ quan thuế.
Người bán hàng hóa dịch vụ còn phải
công khai cách tra cứu, nhận file gốc hóa đơn điện tử của người bán tới người
mua hàng hóa, dịch vụ; báo cáo việc sử dụng hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý
trực tiếp, trong trường hợp mua hóa đơn của cơ quan thuế theo mẫu quy định.
Nghị định 123 cũng yêu cầu người mua
hàng hóa, dịch vụ phải yêu cầu người bán lập và giao hóa đơn khi mua hàng hóa,
dịch vụ; cung cấp chính xác thông tin cần thiết để người bán lập hóa đơn; thực
hiện ký các liên hóa đơn đã ghi đầy đủ nội dung trong trường hợp các bên có
thỏa thuận về việc người mua ký trên hóa đơn.
“Quy định như vậy vừa đảm bảo sự chặt
chẽ trong công tác quản lý, vừa thể hiện tính minh bạch dân chủ trong hoạt động
sử dụng, xuất hóa đơn. Việc quy định người mua cũng có trách nhiệm yêu cầu
người bán cung cấp hóa đơn sẽ giúp cơ quan thuế sẽ nắm được các giao dịch, ngăn
chặn chống thất thu, kiểm soát chặt chẽ doanh số cũng như hoạt động sản xuất
kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là cơ sở để quản lý chặt chẽ việc hoàn thuế
của doanh nghiệp” - luật sư Lê Thị Hồng Vân nói.
Người nộp thuế cần làm gì khi gặp phải hóa đơn điện tử giả?
Mặc dù quy định của pháp luật hóa đơn
điện tử hiện nay là khá cụ thể, chặt chẽ, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi tình
trạng làm giả hóa đơn như báo chí phản ánh gần đây. “Sự ra đời của hóa đơn điện
tử là giải pháp cấp thiết giúp chống hóa đơn giả hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay
đã có một số đối tượng làm giả để lừa đảo, vì không phải ai cũng có thể phân
biệt hóa đơn điện tử là thật hay giả, dù là kế toán của một số doanh nghiệp” -
chuyên gia luật Nguyễn Thị Diệu Linh nói.
Để đảm bảo hóa đơn điện tử là thật
hay giả, chuyên gia luật khuyên người nộp thuế khi nhận một hóa đơn điện tử,
việc đầu tiên mỗi người nên kiểm tra kỹ lưỡng hóa đơn có sai sót hay không?
Tiếp đó tra cứu trên cổng tra cứu hóa đơn điện tử, xem hóa đơn điện tử đó có
hợp pháp hay không?
“Rất nhiều người tưởng rằng file PDF
được người bán gửi đến email cho người mua là hóa đơn điện tử, nhưng thực tế
không phải vậy. File PDF đó phải kèm theo file XML là file gốc chứa dữ liệu về
hóa đơn thì mới được coi là hóa đơn điện tử. Do đó doanh nghiệp cần chủ động
tìm hiểu, cảnh giác với nhà cung cấp thiếu tin cậy để tránh rủi ro cho mình” -
chuyên gia luật Nguyễn Thị Diệu Linh chia sẻ.
Theo các chuyên gia luật, hóa đơn
điện tử được coi là hợp pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Hóa đơn điện tử
đáp ứng quy định tại Khoản 5, Điều 4 và các Điều 6, 7, 8 của Nghị định
119/2018/NĐ-CP. Đó là các quy định về hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền
kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, quy định về nội dung trong hóa
đơn cũng như thời điểm lập hóa đơn; hóa đơn điện tử bảo đảm tính toàn vẹn của
thông tin.
Hiện nay việc tra cứu hóa đơn điện tử
được hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể. Tổng cục Thuế đã xây dựng Website tra cứu
hoá đơn, biên lai tại địa chỉ Tracuuhoadon.gdt.gov.vn với nội dung cung cấp các
thông tin về hóa đơn, biên lai do cơ quan thuế và người nộp thuế phát hành.
Khi kết quả tra cứu có đầy đủ thông
tin người bán hàng hoá dịch vụ và thông tin hoá đơn, thì hoá đơn đó là hợp lệ.
Tuy nhiên, nếu chỉ có thông tin trong trường “Thông tin người bán hàng hoá dịch
vụ”; phần thông tin trong trường “Thông tin hoá đơn” không có thì hoá đơn bạn
đang tra cứu là không hợp pháp.
Có thể doanh nghiệp đó chưa thông báo
phát hành hoá đơn, hoặc đã thông báo nhưng thông tin chưa được đưa lên công
thông tin, thì người nộp thuế phải liên hệ ngay với đơn vị xuất hoá đơn để kiểm
tra thông tin phát hành hoá đơn đó.
“Trong nhiều trường hợp phức tạp, hoặc
phát hiện có sai phạm trong hóa đơn điện tử nhận được, người nộp thuế cần chủ
động thông báo kịp thời đến các cơ quan thuế có thẩm quyền để tìm ra cách xử lý
tối ưu nhất, cũng như tránh những rủi ro cho chính mình” - chuyên gia luật
Nguyễn Thị Diệu Linh nói./.
Cách nhận dạng hóa đơn điện tử
- File PDF hóa đơn điện
tử đó phải kèm theo file XML là file gốc chứa dữ liệu về hóa đơn thì mới
được coi là hóa đơn điện tử. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cảnh
giác với nhà cung cấp thiếu tin cậy để tránh rủi ro cho mình.
- Trong nhiều trường hợp phức tạp,
hoặc phát hiện có sai phạm trong hóa đơn điện tử nhận được, người nộp thuế cần
chủ động thông báo kịp thời đến các cơ quan thuế có thẩm quyền để tìm ra cách
xử lý tối ưu nhất, cũng như tránh những rủi ro cho chính mình.
Theo TBTC